‘Biến các nhà máy cũ thành không gian sáng tạo’ cho Hà Nội (kỳ 1): Hướng phát triển bền vững từ các nhà máy cũ
(Thethaovanhoa.vn) – Biến các nhà máy cũ thành không gian sáng tạo đã là cách làm không còn quá xa lạ ở nhiều quốc gia trên thế giới. Song đây lại là ý tưởng mang đến cảm xúc đầy mới mẻ và hy vọng không nhỏ về một hướng đi đầy triển vọng cho một Hà Nội phát triển bền vững.
Đó cũng là ý tưởng được khởi xướng bởi Mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống từ cuối năm 2020 với nhiều hoạt động công phu, bài bản, tỏ rõ được tâm huyết của những con người yêu Hà Nội, luôn muốn hành động vì sự phát triển của Thủ đô.
Để hiểu rõ hơn về ý tưởng này, Thể thao & Văn hóa (TTXVN) có cuộc trao đổi với ông Lê Quang Bình – điều phối viên của Mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống.
* Thưa ông, xuất phát từ đâu mà Mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống có ý tưởng biến các nhà máy cũ thành không gian sáng tạo cho Hà Nội?
Mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống rất quan tâm đến không gian công cộng của thành phố vì nó đóng vai trò quan trọng trong chất lượng sống của người dân. Nhưng thật đáng buồn, không gian công cộng ở Hà Nội rất ít và nhỏ lẻ.
Khi tìm hiểu, chúng tôi thấy cơ hội duy nhất để có thêm không gian công cộng cho Hà Nội, đặc biệt ở các quận nội đô, là các nhà máy cũ. Hà Nội có chính sách đúng đắn là di dời các nhà máy ra khỏi nội đô và ưu tiên phát triển không gian công cộng, không gian xanh. Tuy nhiên, đầu năm 2020 khi chúng tôi khảo sát 39 nhà máy thuộc diện di dời ở 2 quận thì thấy 21 nhà máy đã chuyển đổi mục đích. Trong 21 nhà máy đã chuyển đổi thì có tới 19 nhà máy chuyển thành chung cư thương mại, 1 nhà máy thành trường đại học, và 1 nhà máy di dời làm đường trên cao. Rõ ràng việc di dời này đã chất thêm tải lên cơ sở hạ tầng của thành phố thay vì giảm tải cho nó.
Qua tìm hiểu, chúng tôi cũng được biết Hà Nội đang có một danh sách 92 nhà máy sẽ được di dời trong thời gian tới. Sau khi nghiên cứu thực địa, chúng tôi thấy có nhiều nhà máy có giá trị di sản công nghiệp, là biểu tượng của thành phố trong từng thời kỳ phát triển. Hơn nữa, trên thế giới, việc chuyển đổi nhà máy cũ thành không gian sáng tạo đã rất thành công về cả mặt kinh tế, xã hội, văn hóa và môi trường. Ví dụ ở Trung Quốc có 798 Art Zone chuyển từ một khu liên hợp nhà máy cũ, ở lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) có C-Lab, một trung tâm nghệ thuật đương đại được chuyển từ một căn cứ không quân cũ. Hoặc ở Pháp có F-station được chuyển từ kho của ngành đường sắt.
Chính vì vậy, chúng tôi nghĩ Hà Nội cũng nên chuyển đổi các nhà máy cũ phù hợp thành không gian sáng tạo – thay vì đập đi xây chung cư, tiếp tục gây ách tắc làm khốn khổ cuộc sống người dân.
* Vậy cho đến nay, Vì một Hà Nội đáng sống đã và đang làm được những gì cụ thể để hiện thực hóa ý tưởng của mình?
Là một mạng lưới hoạt động phi lợi nhuận vì lợi ích chung, Vì một Hà Nội đáng sống muốn tập trung lan tỏa được lợi ích của việc chuyển nhà máy cũ thành không gian sáng tạo đến càng nhiều người càng tốt. Chúng tôi tin, khi nhiều người biết được lợi ích của việc chuyển đổi này thì khả năng thành hiện thực càng cao. Chính vì vậy, chúng tôi đã tiến hành các nghiên cứu thực trạng các nhà máy cũ để chỉ ra các giá trị di sản của chúng. Ví dụ như nhà máy xe lửa Gia Lâm, nhà máy thuốc lá Thăng Long… đều là những cơ sở công nghiệp có giá trị kiến trúc, di sản xứng đáng giữ lại, chuyển đổi thành không gian sáng tạo.
Chúng tôi cũng nghiên cứu các kinh nghiệm quốc tế để có được bài học cho Việt Nam. Ví dụ, Vì một Hà Nội đáng sống là một đối tác địa phương của dự án Tái thiết di sản công nghiệp được hỗ trợ bởi Viện Văn hóa Quốc gia châu Âu (EUNIC) được thực hiện trong 2 năm 2021-2022. Dự án này nhấn mạnh vào việc chia sẻ kiến thức, trao đổi kinh nghiệm về các mô hình chuyển đổi nhà máy cũ thành không gian sáng tạo thành công ở các nước châu Âu. Các mô hình này sẽ là cơ sở để các đối tác Việt Nam tham khảo, vận dụng xây dựng mô hình chuyển đổi phù hợp nhất với bối cảnh Việt Nam.
Chúng tôi cũng triển khai nhiều dự án truyền thông, vận động công chúng cũng như các cơ quan quản lý của Hà Nội. Ví dụ, Vì một Hà Nội đáng sống đã chia sẻ ý tưởng này với Thành ủy và UBND thành phố Hà Nội trong một buổi tham vấn về Đề án công nghiệp văn hóa của Thủ đô. Chúng tôi vận động thành phố chuyển đổi vì việc này sẽ tạo ra cơ sở hạ tầng, mở ra không gian văn hóa sáng tạo, và phát triển thịtrường cho ngành công nghiệp văn hóa. Nó tăng thêm không gian công cộng sáng tạo, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân thành phố. Nó duy trì và bảo tồn các giá trị công nghiệp của thành phố, duy trì truyềnthống của thành phố thời kỳ công nghiệp hóa. Đặc biệt, nó cũng tạo ra sự hài hòa lợi ích phát triển văn hóa, kinh tế, môi trường cũng như giữa các thành phần xã hội khác nhau.
Trong quá trình triển khai thực hiện ý tưởng của mình, ông và các thành viên của mạng lưới gặp phải những khó khăn cụ thể nào?
Một khó khăn lớn nhất đó là chưa có nhiều người biết về mô hình chuyển nhà máy cũ thành không gian sáng tạo. Còn những người biết thì mặc dù rất thích ý tưởng nhưng họ lại bi quan cho rằng đất của các nhà máy đã bị các đại gia bất động sản “nhòm ngó”. Chính vì vậy, dù mô hình chuyển đổi có lợi cho nhiều người hơn, cũng như cho thành phố nói chung, nhưng khó cạnh tranh được với các đại gia bất động sản.
Tuy nhiên, tôi tin khi Hà Nội đã mở rộng diện tích thì diện tích đất có thể phát triển bất động sản đã tăng lên, giảm sức ép lên các khu trung tâm. Bên cạnh đó, mô hình không gian sáng tạo và văn hóa cũng là một mô hình mang lại lợi ích kinh tế lâu dài. Chính vì vậy, dù khó khăn nhưng chúng tôi tin khi có nhiều người biết, nhiều người ủng hộ thì ý tưởng này sẽ được thực hiện.
Xin cám ơn ông vì cuộc trò chuyện!