Không gian sáng tạo, bản sắc mới của Hà Nội – Bài 3: Hồi sinh những mảng màu cũ

Các nhà máy cũ phá sản phải dừng hoạt động hay phải di chuyển ra khỏi nội đô hoặc vì một lý do nào khác phải đóng cửa, thì giờ đây người ta không nhìn nó ở góc độ phế tích, một ứ tồn đô thị, mà coi nó là di sản công nghiệp.

Các nhà máy cũ có thể được hồi sinh theo một cách đặc biệt, đó là đưa nghệ thuật đương đại vào để nó kể lại câu chuyện lịch sử, tạo ra một không gian sáng tạo hấp dẫn, vừa để tái tạo đô thị, vừa phục vụ nhu cầu văn hóa tinh thần của người dân.

Sự chuyển đổi ý nghĩa

Các nhà máy cũ tại Hà Nội có nhiều tiềm năng chuyển đổi thành không gian sáng tạo

Trên thế giới, các không gian sáng tạo được hình thành từ nhà máy cũ không phải là hiếm. Các cơ sở công nghiệp nặng và hạ tầng kiểu cũ như hầm mỏ, kho tàng, ga tàu, sân bay… khi phải đóng cửa do không phù hợp, người ta đã tìm cách chuyển đổi công năng để lưu lại ký ức, tìm cách phục vụ lại đời sống dân chúng thay vì phá bỏ. Điển hình như: Công trình Zeche Zollverein (North Rhine-Westphalia, Đức) từ mỏ than công nghiệp chuyển thành công viên văn hóa đa năng; Nagasaki Shipyard Museum (Nagasaki, Nhật Bản) từ bến tàu cảng công nghiệp chuyển đổi thành bảo tàng lịch sử công nghiệp…

Còn tại Việt Nam, việc chuyển đổi các nhà máy cũ thành không gian sáng tạo vẫn còn là điều mới mẻ, chỉ một số ít nhà máy cũ được chuyển đổi thành công. Có thể kể tới một số địa điểm tại Hà Nội, như: Nhà máy in báo Nhân Dân chuyển đổi thành Trung tâm Văn hóa Pháp (phố Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm), cơ sở sản xuất của Xí nghiệp Dược phẩm Trung ương 2 (phố Trần Thánh Tông, quận Hai Bà Trưng) thành tổ hợp Zone 9 (cũ), Nhà máy in Công đoàn cũng biến thành khu tổ hợp Complex 01 (ngõ 167 Tây Sơn, quận Đống Đa). Rất tiếc, dù thu hút đông đảo giới trẻ nhưng tổ hợp Zone 9 bị đóng cửa bởi liên quan đến tính pháp lý của khu đất.

Trong kế hoạch di chuyển các nhà máy gây ô nhiễm ra khỏi nội đô Hà Nội, thành phố có tới 92 cơ sở nằm trong diện này. Đây là cơ hội lớn để xây dựng các không gian sáng tạo, nếu các cơ quan chức năng quyết tâm thực hiện để phát triển Thành phố sáng tạo. Nhất là trong bối cảnh, Hà Nội đang thiếu các không gian công cộng phục vụ người dân, hạ tầng xã hội đang chật chội và hơn nữa, để thực hiện đúng mục đích ban đầu là di dời các nhà máy ra khỏi nội đô nhằm phát triển các không gian công cộng, công trình phúc lợi phục vụ người dân.

Thạc sĩ Lê Quang Bình, điều phối viên mạng lưới “Vì một Hà Nội đáng sống” cho rằng, việc chuyển đổi nhà máy cũ thành không gian sáng tạo sẽ duy trì và bảo tồn các giá trị công nghiệp của thành phố, hài hòa giữa lợi ích phát triển văn hóa, kinh tế, môi trường. Nhưng quan trọng, sẽ tăng thêm không gian công cộng sáng tạo, cải thiện chất lượng sống của người dân và góp phần phát triển thị trường cho ngành công nghiệp văn hóa. Theo ông Lê Quang Bình, Hà Nội có quá nhiều cơ hội để phát triển các không gian sáng tạo từ các nhà máy cũ. Trong khi đó, những năm qua, nhiều nhà máy di chuyển khỏi nội đô thì địa điểm cũ lại chuyển đổi thành các khu đô thị mới mật độ cao, các chung cư thương mại cao tầng.

Hiện tại, Hà Nội có khoảng 10 nhà máy tiêu biểu có thể nhìn nhận dưới góc độ di sản công nghiệp và có nhiều tiềm năng xây dựng thành không gian sáng tạo. Điển hình như: Nhà máy Bia Hà Nội, Nhà máy Xe lửa Gia lâm, Nhà máy Thuốc lá Thăng Long, Nhà máy Cao su Sao vàng… Đó là các nhà máy có không gian mang dấu ấn lịch sử, kiến trúc thuộc địa hấp dẫn, kết hợp độc đáo giữa kiến trúc dân dụng và công nghiệp; không gian thể hiện khí thế sản xuất hào hùng xây dựng đất nước giai đoạn hậu chiến.

Theo Tiến sĩ, Kiến trúc sư Trương Ngọc Lân, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, các nhà máy ở Hà Nội có ưu thế để trở thành không gian sáng tạo. Bởi, những nơi này đều có không gian lớn, có thể ngăn chia tự do cho những nhu cầu sử dụng linh hoạt. Một mặt, kiến trúc có giá trị di sản; hình thức không gian, cấu trúc, chi tiết, vật liệu khác biệt với không gian dân dụng. Những nhà máy cũ thường nằm ở vị trí trung tâm đô thị, rất dễ kết nối với công chúng, dễ dàng đem những sản phẩm sáng tạo đến với cộng đồng.

Độc đáo và mới lạ

Một góc tại không gian sáng tạo Complex 01, phố Tây Sơn, quận Đống Đa. Ảnh: Đinh Thuận/TTXVN

Nằm lọt thỏm giữa con phố Phú Viên, phường Bồ Đề, quận Long Biên, nơi mà ít ai nghĩ tới lại là không gian sáng tạo 282 Design rất độc đáo. Lối đi vào cũng không dễ dàng khi phải băng qua khu nhà xưởng cũ kỹ, rộng lớn phía ngoài. Nhưng sau những thắc mắc đầy nghi hoặc của bất cứ ai lần đầu đặt chân tới đây, sẽ là sự ngạc nhiên đến mức ngỡ ngàng. Không gian 282 Design mở ra với thiết kế mới lạ, độc đáo nhưng rất hài hòa và thân thiện.

282 Design chia làm nhiều khu; trong đó, khu chia sẻ sáng tạo được thiết kế thành nhiều công năng: Nơi nói chuyện về sáng tạo; nơi triển lãm hội họa; nơi tổ chức các buổi giảng dạy về sáng tạo; nơi tổ chức hoạt động vui chơi sáng tạo… Đặc biệt, các hạng mục được thiết kế tại đây đều sử dụng vật liệu tái chế như: Cánh cửa gỗ mà người dân bỏ đi được thu gom về, lưới sắt của chủ đầu tư cũ bỏ lại, rồi cả sỏi, đá, thép, gỗ… cũng đều là đồ cũ bỏ đi, được các kiến trúc sư của 282 Design sắp đặt, lắp ghép rất hợp lý và có hồn.

Kiến trúc sư Phạm Thanh Huy, người sáng lập 282 Design chia sẻ: “Không gian này vốn là nhà máy sản xuất mũ cối của một đơn vị thuộc lực lượng vũ trang để lại. Nhận thấy Hà Nội còn thiếu các không gian sáng tạo nên chúng tôi đã quyết định sử dụng một phần địa điểm này. Tương lai, không gian sáng tạo sẽ mở rộng thêm ra khu nhà xưởng phía trước để tạo thêm nhiều hoạt động”. Chính hướng đi mới mẻ này đã tạo sự hấp dẫn cho 282 Design, nên dù mới đi vào hoạt động nhưng 282 Design đã trở thành điểm hẹn của nhiều nghệ sĩ cùng các bạn trẻ Hà Nội.

Cũng được hình thành từ một nhà máy cũ là Nhà máy in Công đoàn, tổ hợp Complex 01, ngõ 167 Tây Sơn, quận Đống Đa, là một không gian sáng tạo hấp dẫn. Kiến trúc sư Nguyễn Bùi Vũ, chủ đầu tư Complex 01 cho biết, thời điểm bắt đầu chuyển đổi một cơ sở cũ của nhà máy đã để hoang hóa 3 – 4 năm thành một không gian sáng tạo như hiện nay, là muôn vàn khó khăn. Tuy vậy, ông và cộng sự vẫn quyết tâm bắt tay vào chuyển đổi, khi nhận thấy nhu cầu tạo môi trường cho giới trẻ nhằm thúc đẩy kinh tế sáng tạo và văn hóa sáng tạo rất cần thiết. Rồi Complex 01 được hình thành với sự đầu tư đồng bộ, tạo ra sân chơi lành mạnh cho các bạn trẻ phát triển một cách bền vững.

Giữa một con phố sôi động và chật chội, tổ hợp Complex 01 hiện diện như một điểm nhấn thú vị. Các tòa nhà ở đây được thiết kế, đáp ứng các chức năng đa dạng của tổ hợp nhưng vẫn mang hơi hướng của một nhà máy cũ, với những lớp gạch xù xì, cầu thang sắt thô ráp và gam màu trầm là chủ đạo. Complex 01 được chia làm nhiều khu vực: Khu thương mại, khu tổ chức sự kiện, khu hội họp, khu trải nghiệm các hoạt động sáng tạo… Bên cạnh đó, Complex 01 còn tổ chức các sự kiện về văn hóa, thường xuyên hỗ trợ các hoạt động về khởi nghiệp, hoạt động phục vụ thiện nguyện phục vụ cộng đồng.

Theo Kiến trúc sư Nguyễn Bùi Vũ, đất nước ta đang trong quá trình khởi nghiệp nên rất cần nguồn năng lượng mới, sáng tạo cho giới trẻ, từ đó phát huy nguồn lực của giới trẻ để hội nhập với thế giới. Nếu lĩnh vực sáng tạo được đầu tư tốt sẽ là cú hích lớn cho phát triển kinh tế, xã hội để Việt Nam ngày càng văn minh và hội nhập sâu.

Đó là những tín hiệu tích cực ban đầu trong việc chuyển đổi thành công các nhà máy cũ thành không gian sáng tạo tại Hà Nội. Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Kiến trúc sư Phạm Thúy Loan, Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia cũng cho rằng, các nhà máy cũ được chuyển đổi thành không gian hoạt động nghệ thuật, sáng tạo, khởi nghiệp – chiến lược này vừa làm giàu văn hóa, lịch sử cho thành phố, vừa tạo môi trường cởi mở thu hút sự tham gia của người dân. Đây là không gian đặc biệt và mang lại nhiều hiệu quả, lợi ích, nếu có cách thức sáng tạo, chuyển đổi phù hợp.

Không gian sáng tạo không chỉ tạo ra bản sắc mới cho thành phố mà còn góp phần tái tạo được đô thị. Hơn thế, nó còn tạo ra hệ sinh thái sáng tạo khi thu hút, kết nối cộng đồng, tạo mối quan hệ cộng sinh cùng phát triển.

”Nguồn: https://baotintuc.vn/van-hoa/khong-gian-sang-tao-ban-sac-moi-cua-ha-noi-bai-3-hoi-sinh-nhung-mang-mau-cu-20210720142441550.htm