Chuyển đổi nhà máy thành không gian sáng tạo: Từ lý thuyết đến thực tế

Đó chính là nội dung được trao đổi tại “Tọa đàm: Kinh nghiệm thực tế chuyển đổi nhà máy cũ thành không gian sáng tạo” diễn ra vào ngày 5/1/2021 vừa qua tại Union Hall – COMPLEX 01, số 29 ngách 31 ngõ 167 Tây Sơn, Hà Nội.

Là một hoạt động nằm trong khuôn khổ Cuộc thi “Thiết kế không gian sáng tạo Hà Nội” do UBND Tp Hà Nội và Hội KTS Việt Nam chỉ đạo Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội phối hợp cùng Tạp chí Kiến trúc – Hội KTS Việt Nam, Mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống (Đại diện bởi ECUE) và UBND quận Hoàn Kiếm tổ chức, tọa đàm đã thu hút sự quan tâm của đông đảo khách mời là các chuyên gia nghiên cứu và những người hoạt động trong lĩnh vực kiến trúc, bảo tổn, quản lý di sản, văn hóa và khách mời quan tâm đến cuộc thi. Trao đổi tại tọa đàm, các diễn giả đã có những chia sẻ đi từ nghiên cứu về các nhà máy cũ ở Hà Nội đến thực tế việc chuyển đổi các không gian đó thành không gian sáng tạo.

Từ những nghiên cứu về các nhà máy cũ ở Hà Nội, TS.KTS Trương Ngọc Lân cho biết: “Hiện nay, nhiều nhà máy cũ ở Hà Nội như cụm nhà máy Cao Xà Lá, nhà máy xe lửa Gia Lâm… đã và đang thực hiện việc di dời ra khỏi nội đô. Các công trình này có lợi thế về giá trị di sản (tính văn hóa); Kiến trúc độc đáo, mang dấu ấn kiến trúc thuộc địa; Hình thức không gian, cấu trúc, chi tiết, vật liệu khác biệt với không gian dân dụng thông thường mà thay vào đó là cấu trúc công nghiệp, giúp khơi gợi những ý tưởng mới mẻ, đánh thức tiềm năng sáng tạo; Đặc biệt, thường nằm ở các vị trí trung tâm và có không gian rộng, đáp ứng nhu cầu đa dạng, biến đổi theo thời gian, phù hợp cho những sự kiện đông người.”

Trên thực tế, đã nhiều dự án chuyển đổi các nhà máy công nghiệp cũ thành không gian sáng tạo. Như mới đây nhất, chuỗi tổ hợp Complex o1 (Tây Sơn, Hà Nội) được xây dựng trên nền móng nhà máy cũ vào những năm 1940 – 1960 đã nhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng, nhất là những bạn trẻ. Mang đến những kinh nghiệm khi thiết kế cũng như mong muốn của mình khi thực hiện dự án tại tọa đàm, chủ đầu tư kiêm nhà thiết kế dự án, KTS Nguyễn Bùi Vũ chia sẻ: “Khu tổ hợp này vốn là một xưởng in cũ nằm xen kẹt trong một con ngõ nhỏ. Trước đây, không gian này đã có 3 dự án được lên kế hoạch nhưng không chủ đầu tư nào triển khai vì khu đất chỉ cho phép thuê 2 năm. Tuy nhiên, với mong muốn tạo ra một chuỗi không gian cho giới trẻ thỏa sức sáng tạo, khởi nghiệp, tôi đã mạo hiểm đầu tư. Trên nền móng của một nhà máy cũ những năm “cách mạng công nghiệp” (1940-1960), chúng tôi muốn khởi tạo nên một “cuộc cách mạng mới” với COMPLEX 01 – tổ hợp đa chức năng: làm việc – học tập – mua sắm – cafe – giải trí… Mô hình này sẽ đáp ứng được nhu cầu rất lớn của các bạn trẻ muốn kết nối, khởi nghiệp và các cửa hàng vừa và nhỏ.”

Một số hình ảnh thiết kế Complex 01:

Đi vào hoạt động từ cuối năm 2020, Complex 01 đã nhanh chóng thu hút được nhiều du khách đến tham quan và nhận được nhiều lời khen ngợi từ cộng đồng cũng như những nhận xét tích cực từ những người dân sống quanh đó.

Cùng thảo luận về không gian sáng tạo – công cộng, các chuyên gia và khách mời cũng đưa ra các vấn đề lưu ý khi chuyển đổi từ nhà máy cũ thành không gian sáng tạo – công cộng. Nhìn chung, những ý kiến góp ý tại tọa đàm đều đồng thuận, các không gian sáng tạo để vận hành hiệu quả và lâu dài, cần sự đồng thuận của chính quyền, thuận hòa với người dân khu vực và hài hòa với cảnh quan xung quanh.

”Nguồn: https://www.tapchikientruc.com.vn/chuyen-muc/chuyen-doi-nha-may-thanh-khong-gian-sang-tao-tu-ly-thuyet-den-thuc-te.html