Hòa nhạc ở nhà máy cũ
PNO – Cuối tuần qua, một sự kiện văn hóa đặc biệt: Hòa nhạc “Vì một Hà Nội đáng sống” đã diễn ra tại Complex 01 (Tây Sơn, Hà Nội). Hòa nhạc do Hợp xướng Đa Dạng, Hợp xướng Samsung Harmony, Complex 01 và Mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống (ECUE) đồng tổ chức.
Buổi hòa nhạc diễn ra tại một không gian trước đây là nhà máy cũ của Hà Nội (nhà máy in Công đoàn). Hiện, nó đã được cải tạo thành không gian đa chức năng, một tụ điểm mua sắm, ăn uống, workshop, tổ chức sự kiện năng động với kiến trúc nghệ thuật, không gian thân thiện. Thay vì phá bỏ toàn bộ, Complex 01 vẫn lưu giữ khung nền, các khẩu hiệu, hình dáng nhà máy xưa như một mảnh ký ức của Hà Nội.
Hòa nhạc Vì một Hà Nội đáng sống diễn ra trong một không gian mở, mang tính cộng đồng cao. Nghệ sĩ tham gia gồm người lớn tuổi, trẻ em, người khuyết tật, người LGBT, người dân tộc thiểu số và nhiều nhóm khác, gặp gỡ nhau ở tình yêu âm nhạc, tình yêu cuộc sống. Khán giả của họ có cả những người bán rong, công nhân vệ sinh môi trường, người nghèo… lần đầu tiên xúng xính đi nghe hòa nhạc.
Những người tổ chức muốn kết nối tới cộng đồng các hoạt động văn hóa nghệ thuật đa dạng, ý nghĩa, để ai cũng có thể hòa mình và cảm nhận một Hà Nội đang năng động, đáng sống hơn từng ngày.
Câu chuyện hòa nhạc Vì một Hà Nội đáng sống diễn ra tại Complex 01 khiến không ít người nghĩ tới số phận của gần 100 nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp cần di dời ra khỏi nội đô trong quy hoạch sắp tới. Đó cũng không phải là vấn đề của riêng Hà Nội, mà còn của cả những đô thị lớn ở nước ta, khi đối diện với bài toán phát triển. Việc di dời các nhà máy khỏi nội đô có giá trị di sản công nghiệp hoàn toàn có thể tạo nên các không gian mới, không chỉ tạo ra giá trị kinh tế, mà còn là nơi tổ chức những hoạt động nghệ thuật, văn hóa cộng đồng.
Trong thực tế, ở Hà Nội, cũng đã có những trường hợp chuyển đổi thành công như Trung tâm Văn hóa Pháp ở phố Tràng Tiền trước đây vốn là một nhà in cũ xây dựng từ đầu thế kỷ XX; “tổ hợp nghệ thuật” Hanoi Creative City ở phố Lương Yên xây trên nền tòa nhà Kim khí Thăng Long; 282 Design ở phố Phú Viên xưa kia là nhà máy sản xuất mũ cối…
Ở Đà Lạt, Cầu Đất Farm – xưa kia là nhà máy trà cổ của người Pháp, nay các dấu tích vẫn nguyên vẹn, đang trở thành một không gian sáng tạo, thu hút nhiều nghệ sĩ…
Một sự kiện hòa nhạc diễn ra trong lòng một nhà máy cũ, nay là một nơi chốn mới mà vẫn không khước từ tính lịch sử của nó, cho ta thấy tính hồi sinh của di sản.
Thay vì xây những khu chung cư thương mại sáng choang, lạnh lùng, thiếu sự thân thiện với môi trường lẫn người dân, nếu tận dụng tốt quỹ đất được xem là cuối cùng của đô thị này, có thể tạo ra một quy hoạch đô thị mang tính nhân văn, vừa đảm bảo tính hiện đại, năng động, trẻ trung, mà vẫn mang hồn cốt cũ và cảm thức nơi chốn, cảm thức thuộc về của cư dân đô thị.
”Nguồn: https://www.phunuonline.com.vn/hoa-nhac-o-nha-may-cu-a1470749.html”